6 tháng đầu năm 2022, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt được một số kết quả tích cực: HĐND và UBND tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết và quyết định quan trọng để tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, năm 2021, năm 2022. Thông tin tuyên truyền về xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025 bước đầu được triển khai. Bộ máy chỉ đạo và giúp việc ban chỉ đạo các cấp được thành lập và kiện toàn. Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã được quan tâm đầu tư; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.
Đến 30/6/2022, toàn tỉnh có 02 huyện: Tư Nghĩa và Nghĩa Hành đạt chuẩn nông thôn mới, 93/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới (không thay đổi so với cuối năm 2021), 5 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 40 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 9 xã đạt từ 6-9 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân/xã: 16,36 (giảm 0,14 tiêu chí so với cuối năm 2021: 16,5). Nguyên nhân do: Các xã đánh giá lại theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bộ tiêu chí, các cơ chế chính sách của trung ương ban hành chậm, một số nội dung hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương vẫn chưa được ban hành gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình ở cấp tỉnh. Vốn ngân sách trung ương, tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 được bố trí chậm trong khi thời gian còn lại để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 không còn nhiều nên khó khăn trong hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn với xây dựng nông thôn mới chưa được xây dựng. Một số chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 rất khó đạt, đặt biệt đối với các xã miền núi, cụ thể: Tiêu chí số 15 về Y tế quy định tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ≤22%,... là rất khó đạt vì tỷ lệ trên ở các huyện miền núi là rất cao. Đồng thời các xã chưa đạt chuẩn giai đoạn 2021 - 2025 chủ yếu là các xã miền núi, có địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bổ rải rác, ít tập trung do đó rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Người dân vẫn chưa thực sự thay đổi tập quán canh tác, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, trông chờ, ỷ lại. Văn phòng Điều phối nông thôn mới các huyện không có cán bộ chuyên trách nông thôn mới, đa số là do viên chức của Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế hạ tầng kiêm nhiệm. Quy định về việc chấm dứt sử dụng viên chức trong cơ quan hành chính đã dẫn đến việc các viên chức nông thôn mới chuyển đổi vị trí công tác... Do đó, việc theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương không đầy đủ số liệu, đảm bảo thời gian quy định, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, báo cáo cũng như trong tham mưu chỉ đạo điều hành thực hiện chương trình.
Để hoàn thành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 tại Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 11/7/2022 của UBND tỉnh: Thành phố Quảng Ngãi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (lũy kế 03 huyện, thành phố), 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 98 xã), cụ thể: xã Bình Châu, xã Bình Thuận, xã Bình An, xã Long Hiệp, xã Sơn Linh, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cụ thể: Xã Bình Dương, xã Bình Trị, xã Tịnh Bắc, xã Tịnh Giang, xã Đức Tân, xã Đức Lợi, xã Phổ An, xã Tịnh Kỳ, xã Tịnh Châu, 6 tháng cuối năm 2022 cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo chương trình trực tiếp theo dõi, kiểm tra đôn đốc các địa phương đạt chuẩn theo kế hoạch, hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn; kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo phù hợp nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức cho cán bộ các cấp và người dân về mục tiêu ý nghĩa Chương trình: Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đem lại sự hài lòng cho người dân nông thôn do đó cần có sự đồng tình hưởng ứng, tham gia của mỗi người dân.
Tập trung chỉ đạo để tạo sự chuyển biến và đạt được mục tiêu theo từng nhóm xã, đặt biệt: Đối với huyện, xã kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020: Rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đối với các tiêu chí đã đạt các xã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định, các tiêu chí chưa đạt, các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành nội dung.
Ban hành Biêu chí Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó tiếp tục triển khai nhân rộng việc xây dựng thêm Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện xây dựng Thôn nông thôn mới ở các xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa đủ điều kiện để xây dựng xã nông thôn mới.
Tiếp tục huy động, tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện Chương trình, lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp xã; Tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nước sạch, văn hóa thể thao./.